Giờ mở cửa từ 7:00 đến 22:00 hàng ngày

Câu chuyện NHỮNG NGƯỜI TỬ TẾ

Câu chuyện NHỮNG NGƯỜI TỬ TẾ

Chuyện ghi từ một vườn nhãn ở Hưng Yên – một nông dân sau hai năm kiên trì thực hành sản xuất hữu cơ, kết quả là đã được cấp giấy chứng nhận. Anh tự sự: “Mừng muốn phát khóc! Giờ thì sau mỗi lần bán hàng đã có thể ngon giấc do không còn lo lắng người tiêu dùng bị ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, so với khi mình sử dụng quá nhiều phân thuốc như trước”. Đó là lời tỉnh thức chân thành của một con người tử tế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT Lê Minh Hoan

Trong xã hội, có ai mà không thích giao du với những người tử tế, có ai mà không muốn trở thành một người tử tế? Tiếc là khi mưu cầu cuộc sống vẫn luôn bộn bề bao hối hả, chen lấn, cạnh tranh, sự tử tế đôi khi nhạt nhoà, bị khỏa lấp. Nhiều ý kiến còn quan ngại: Hình như những giá trị đạo đức đang bị đảo lộn, những người sống tử tế có lúc còn bị ngờ vực, còn bị cho là ngây, là dại! Liệu như vậy có bi quan quá không? Ở đâu cũng vậy, thời nào cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, cũng có người thế này, người thế kia, cỏ dại cũng có mà hoa thơm cũng chưa bao giờ bị lấn át. “Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!”.

Hãy một lần lắng nghe những lời “gan ruột” từ những người như anh nông dân “Xứ nhãn lồng” và những doanh nghiệp miệt mài theo đuổi hành trình hướng đến làm nông nghiệp hữu cơ. Trân quý biết bao những con người tử tế, những nông dân tử tế, những doanh nghiệp tử tế. Người tử tế là người sống có lòng nhân ái, đôn hậu, luôn tôn trọng người khác, đề cao giá trị đạo đức, biết yêu thương, quý trọng những điều bình dị. Nói cách khác, người tử tế biết nghĩ cho người khác, lo cho người khác, trước khi nghĩ cho mình, lo cho mình. Vậy sự tử tế vốn không phải đâu xa, mà luôn có thể tìm thấy ở những người làm nông nghiệp vì sức khoẻ lành mạnh của người tiêu dùng.

Nông nghiệp nước mình, qua suốt chiều dài lịch sử, do nhiều nguyên nhân, là nền nông nghiệp đánh đổi. Đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh với phát triển bền vững. Đánh đổi giữa mục tiêu sản lượng cao với sự suy thoái môi trường, suy giảm tài nguyên, biến dạng đa dạng sinh học. Đánh đổi giữa thu nhập, lợi ích của người này với sức khoẻ của người khác, sức khoẻ cộng đồng. Chúng ta đã lấy đi quá nhiều từ thiên nhiên, vô tình vắt kiệt sức khoẻ của đất, của nước, của tài nguyên. Chúng ta không đủ kiên nhẫn chờ đợi vòng quay tự phục hồi của hệ sinh thái, một vòng tuần hoàn tuyệt vời của tạo hoá. Nhận hết, lấy trọn những “món quà” từ thiên nhiên vào ngày nay, thì chúng ta biết trao lại gì cho thế hệ ngày sau?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trò chuyện với chủ vườn nhãn ở Hưng Yên

Mục tiêu phát triển bền vững, nói cho đơn giản, là thế hệ hôm nay làm thế nào, để bảo đảm cuộc sống của mình, mà vẫn có thể giữ gìn và làm giàu tài nguyên cho thế hệ tiếp nối. Vì lẽ đó mà người xưa luôn nhắc nhở, cảnh tỉnh “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nhìn những con kênh, dòng sông và biển cả sẽ thấy con tôm, con cá và cả hệ thủy sinh đang sụt giảm dần, suy thoái dần. Bên cạnh việc đánh bắt thiếu kiểm soát, một phần là do những chất độc hại thải ra trong quá trình con người trồng trọt, chăn nuôi. Những mặt đất đang chai cằn dần vì lạm dụng phân thuốc độc hại trong quá trình canh tác. Khí hậu biến đổi đang tác động nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp thì đã rõ, nhưng chính quá trình sản xuất đã góp phần dẫn đến biến đổi khí hậu, thì ít ai nhận ra, hoặc vờ không nhận ra, hay không chịu nhận trách nhiệm, cứ đinh ninh mình vô can…

Có một quyển sách với tựa đề đáng suy ngẫm: “Khí hậu đang biến đổi, sao chúng ta lại không?”. Một lời cảnh báo về thói quen, tập quán, cách thức sinh sống, sản xuất, kinh doanh,… đã góp phần tạo ra, tác động đến sự thay đổi của tự nhiên và khuyến nghị giải pháp hành động để hoá giải, chuộc lại lỗi lầm dù cố ý hay vô tình gây ra. Và may mắn thay, trân quý thay, có những người đã, đang và sẽ tiếp tục hành động – những nông dân tử tế, những doanh nhân tử tế. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, những điều tử tế sẽ được lan toả, những con người tử tế sẽ nhiều dần lên theo cấp số nhân. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, hệ sinh thái của những người sống tử tế, sản xuất tử tế, kinh doanh tử tế sẽ góp phần phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng, đất nước sẽ được bao phủ bởi một màu xanh.

Hàng ngày trên báo đài, phương tiện truyền thông, đây đó những nông dân phát biểu nguyên do của việc thực hành nông nghiệp hữu cơ để sản phẩm được giá cao hơn. Cách tiếp cận đó không sai, nhưng hình như chưa thực sự đầy đủ. Sản phẩm là kết tinh thành quả của con người, con người mới xác định giá cả, giá trị sản phẩm, nhưng trước hết và trên hết, con người cần quyết định giá trị của chính mình. Giá trị đó được hình thành từ cách sống, lẽ sống, thái độ sống. Người tiêu dùng không chỉ nhìn vào sản phẩm cụ thể, mà còn cảm nhận nhiều hơn về tâm thế, tính chuyên nghiệp, sự tận tâm của người tạo ra sản phẩm. Tâm thế đó đến từ đạo đức, sự tử tế!

Dân gian có câu: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy toà tháp”. Vậy những người tử tế làm nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp một người, mà còn vì sức khoẻ của cả một cộng đồng, vì sự bền vững của hệ sinh thái tự nhiên, vì màu xanh thân thiện của cả hành tinh chúng ta. Nông nghiệp hữu cơ, đâu quá xa vời, mà dung dị như lời chia sẻ chân tình của anh nông dân Hưng Yên nơi vườn nhãn xanh mát, trĩu quả: “Ngon từ đất – ngọt từ tâm là điều tôi luôn tâm huyết. Cây nhãn, nếu ngon, phải do đất, từ chất đất, thổ nhưỡng, khí hậu ban tặng. Cây nhãn, nếu ngọt, nếu sạch, thì phải từ tâm. Cái tâm mà không sạch, mà làm không chuẩn, thì chắc chắn không thể thổi hồn cho quả nhãn ngọt, ngon”.

“Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau!”. “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau!”.

LÊ MINH HOAN – Ủy viên  Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT

Bản đồ
Facebook Messenger
Chat với chúng tôi qua Zalo
Gọi ngay

Bạn chưa đăng nhập?

[miniorange_social_login shape="longbuttonwithtext" view="horizontal" appcnt="3" theme="default" space="35" width="180" height="35" color="000000"]

Đăng nhập

Đăng ký